Dược sĩ – Nhà thơ Huỳnh Khang: Khi nghề chữa bệnh hòa nhịp cùng thi ca

798 lượt xem - Posted on

“Tôi vốn không phải nhà thơ, chỉ là người yêu thơ. Nhưng khi những cảm xúc trong lòng đủ lớn, chúng tự hóa thành  vần.”– Huỳnh Khang

Từ thôn quê đến nghề Dược – hành trình của một người con xứ Nẫu

Sinh ra tại thôn Phước Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa (Phú Yên), Huỳnh Khang là đại diện tiêu biểu cho lớp người lao động trí thức từ nông thôn vươn lên bằng tri thức. Anh tốt nghiệp ngành Dược tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM, từng là đại diện cho một doanh nghiệp dược phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam, rồi làm việc tại nhiều đơn vị y tế lớn ở TP.HCM.

Công việc bận rộn, áp lực không ngăn được niềm say mê thơ văn trong anh. Ngay giữa đời sống đô thị vội vã, nơi những toa thuốc gắn liền với từng bệnh nhân, Huỳnh Khang vẫn luôn dành cho mình một khoảng lặng – để viết, để nhớ, để làm thơ.

Dược sĩ-Nhà thơ Huỳnh Khang. Ảnh: PV

“Tôi không phải nhà thơ” – Nhưng thơ đã chọn anh

Huỳnh Khang bộc bạch: “Tôi vốn không phải nhà thơ… chỉ thích làm thơ.” Nhưng cái “thích” ấy lại thôi thúc anh bước chân vào thế giới thi ca một cách tự nhiên, chân thành và đong đầy cảm xúc. Trong những ngày đầu đại dịch COVID-19, khi cả xã hội lắng lại, anh dành thời gian viết tập thơ đầu tay “Ta về” – được giới thiệu tại Ngày thơ Việt Nam 2020, mở đầu cho hành trình sáng tác nghiêm túc.

Đến nay, anh đã sáng tác hơn 50 bài thơ, trong đó nhiều bài được đăng tải trên các diễn đàn văn học uy tín báo Văn nghệ (Hội Nhà văn), tạp chí văn nghệ HCM, Phú Yên và các báo khác… . Bút danh “Khờ-Ang (Khang)” trở thành dấu ấn quen thuộc với độc giả yêu thơ miền Trung và khắp đất nước.

Thơ Huỳnh Khang – Một lát cắt ký ức tuổi thơ đồng quê Phú Yên

Thơ của anh là nỗi nhớ day dứt về những mùa xưa cũ. Đó là cái giếng làng, đám mía, lũ gà, đàn trâu, cánh diều tuổi thơ, đồng ruộng, nắng gió… từng bám rễ trong tâm hồn những đứa trẻ miền Trung. Tất cả kỉ niệm được anh tái hiện bằng thơ thật sinh động.

“Ta về với tuổi thơ ta
Bãi soi, đám mía, lũ gà, đàn trâu…”

“ Đồng quê chở những thương yêu
Ai quên ai nhớ cánh diều ngày thơ….”

“Về  đong nắng gió miền ngoài,

Tìm ngày thơ thẩn tắm hoài bến sông.

Dạo quanh  kiếm lại tuổi hồng

Và đi gom nhặt những bồng bột xưa.”…

“Vườn quê một mảnh con con

Đi xa muôn dặm vẫn còn vướng chân…”

Đó là tiếng lòng của một người xa quê nhưng tâm hồn chưa bao giờ rời xa mảnh đất đã nuôi anh lớn. Chất thơ ấy không sáo rỗng, không gồng gánh triết lý, mà bình dị như tiếng ru, như khúc dân ca còn ngân nga đâu đó giữa cánh đồng quê.

Từ thơ thành nhạc – Lan tỏa yêu thương bằng âm nhạc

Một nửa số bài thơ của Huỳnh Khang đã được các nhạc sĩ chuyển thể thành ca khúc. Ngoài ra với kiến thức âm nhạc tự học, học từ anh em, bạn bè anh đã viết nhạc và nhanh chóng có bài hát được nhiều người yêu thích, điển hình như: “Miền nhớ”, “Đêm hoang”… Đặc biệt, ca khúc “Chỉ nụ cười em thôi” của anh ra mắt năm 2022 đã nhận được sự lan tỏa lớn, hơn 100 bản cover của người nghe từ mọi miền đất nước.

Dược sĩ- Nhà thơ Huỳnh Khang bên một góc sân nhà thân thương của mình. Ảnh: PV

Không cần chiến dịch quảng bá ồn ào, những bài thơ – bài hát của anh được chia sẻ vì cảm xúc thật, vì chạm đến trái tim người khác bằng tình yêu chân thành.

Tản văn, truyện ký – Góc nhìn người quê sống giữa lòng phố

Ngoài thơ, Huỳnh Khang còn viết tản văn, truyện ký với chất liệu từ đời sống quê nhà. Những tác phẩm như “Tết xưa”, “Mâm cưới ngày ấy”, “Đám giỗ thời  xưa”, “Chợ quê xưa”, … là những mảnh ghép sống động về phong tục, văn hóa miền Trung, được viết bằng giọng văn mộc mạc nhưng sâu lắng.

Anh cũng là đồng tác giả tập thơ “Tình Người Đất Phú” cùng Nguyễn Bá Nha, Nguyễn Luật – tác phẩm gây tiếng vang trong cộng đồng văn nghệ Phú Yên năm 2021.

Từ trái tim dược sĩ đến trái tim nghệ sĩ

Điều làm nên nét độc đáo ở Huỳnh Khang chính là sự giao thoa giữa nghề chữa thân và nghệ thuật chữa hồn. Anh không xem thơ là công cụ, mà là một phần trong con người mình – nhẹ nhàng, chữa lành, lan tỏa yêu thương.

Nét độc đáo của Dược sĩ- Nhà thơ Huỳnh Khang là sự giao thoa giữa nghể chữa thân và nghệ thuật chữa hồn. Ảnh: PV

Dược sĩ – Nhà thơ Huỳnh Khang không cần gán mác “nhà thơ chuyên nghiệp” để được yêu mến. Bằng trái tim trong sáng và sự gắn bó với quê hương, với đời sống thường nhật, anh đã để lại dấu ấn riêng trong lòng người đọc.

Trong một xã hội ngày càng hiện đại, câu chuyện của anh là minh chứng rằng: giữa khoa học và nghệ thuật luôn có một nhịp cầu mang tên “tâm hồn”. Ở  hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan nhau  – y học và văn chương – anh tìm được điểm chung: gắn kết tâm hồn, làm rung cảm trái tim người đọc, truyền cảm hứng và khêu gợi tình yêu văn chương cho mọi người.

Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt nam, giám đốc trang Vanvn.vn (Hội Nhà văn) có nhận xét: “Thơ Huỳnh Khang giản dị mộc mạc như dáng vẻ bề ngoài con người anh nhưng ẩn chứa bên trong vẻ đẹp của một tâm hồn đa cảm, một trái tim đa đoan, giàu tình yêu thương, nhất là với quê hương mà anh luôn mong ước: “Về quê để thấm cái tình/ Để tường cái nghĩa, để mình hiểu ta!”.

Minh Châu